Lùm xùm chuyện áo dài mấy ngày nay, thôi thì cô gái ở ẩn cũng phải ra viết đôi ba dòng. Nói là đôi ba dòng chứ cũng không ngắn, và chắc chắn nó sẽ gây khó chịu cho vài người.
Trước tiên, có lẽ chúng ta làm rõ một vấn đề đã:
-NE·TIGER có nói áo dài Việt Nam là phong cách Trung Quốc không?
-> ❎ Không.
-Trang phục giống áo dài Việt Nam mà NE·TIGER thiết kế (tạm gọi vậy đi) có bị họ nói là mang phong cách Trung Quốc không?
-> ✅ Có. Theo giới thiệu bộ sưu tập của NE·TIGER trên Sohu có đoạn viết: Sau khi lễ phục triều Minh và kỳ bào triều Thanh của Trung Quốc được truyền bá tới Đông Nam Á, do khí hậu nóng nực của địa phương nên chúng được thay bằng chất vải cho trang phục thường ngày, mỏng nhẹ và còn ngừa muỗi. Bài cũng nói thêm rằng trong thiết kế, đội ngũ của NE.TIGER giữ kiểu dáng lễ phục triều Minh và kỳ bào triều Thanh, thêm quần, kết hợp phụ kiện như mũ, thắt lưng, màu sắc phỏng theo sắc điệu của các quốc gia Đông Nam Á.
Ok, nói là lập lờ đánh lận con đen cũng đúng, như cách nói trong 1977 Vlog thì đó là biểu hiện của sự lươn lẹo. Có ăn cắp không? Hình minh hoạ đã chứng minh rõ ràng rồi, không có chuyện đến Việt Nam giao lưu trao đổi mà về “sáng tạo” lại lộ liễu hơn cả học sinh chép văn mẫu như này được. Vụ này làm ầm ĩ lên thì tốt, nhưng mà phải chỉ ra đúng vấn đề, chứ không dễ bị cắn ngược lại lắm.
Đó là chuyện của thương hiệu thời trang, khẳng định NE.TIGER sai lè rồi nhé, còn nói rộng ra Trung Quốc đi. Chắc nhiều bạn biết bên họ có một cách gọi áo dài là “kỳ bào Việt Nam” (sườn xám Việt Nam, 越南旗袍), còn cách gọi chính thức là Aodai (奥黛, theo âm đọc luôn). Baidu có ghi Aodai là quốc phục của Việt Nam, có nguồn gốc từ Việt Nam. Các kênh thông tin chính thống bên Trung Quốc mà tôi đọc thì cũng không có viết áo dài mượn gì từ kỳ bào nhà Thanh, nếu để bới móc có cái cổ đứng (lập lĩnh) thì nó từ tận thời Minh, Thanh nhà họ hay Nguyễn nhà ta thì cũng học như nhau thôi.
Rồi, xin hỏi ở đây có mấy ai nói được áo dài Việt Nam "chuẩn" là phải ra sao? Nguồn gốc của áo dài là như nào? Khi mà chính người Việt Nam còn đang tranh cãi về sự ra đời của áo dài, thì đừng vội trách một bộ phận người Trung Quốc rằng tại sao nhận áo dài có yếu tố Trung Quốc.
Giờ tôi sẽ nói một chút về Trung Quốc và chuyện hấp thụ văn hoá.
(Chém gió đấy, không ngắn đâu)
Nhiều người Trung Quốc rất thích thú với những nghiên cứu cho thấy tổ tiên họ tạo ra thứ này thứ nọ. Chuyện, lý do để thấy dân tộc mình thượng đẳng hơn mà, xứng cái danh trung tâm tinh hoa. Nói khách quan thì nhiều người Việt Nam cũng khoái cái trò đó. Khoan chưa nói bằng chứng mà những nhà nghiên cứu đưa ra có thuyết phục hay không, với tư cách là người dân của một trong những đất nước có nền văn hoá lâu đời và phức tạp nhất thế giới, gây ảnh hưởng lên toàn bộ các nền văn hoá khác ở Đông Á, người Trung Quốc cũng có ít nhiều cái "quyền" đó.
Khi ở Việt Nam vẫn tranh cãi xem liệu Triệu Đà có phải vua nước ta không, vâng, Hán tộc bỏ qua việc bị ngoại tộc là Mông Cổ, Mãn Châu cai trị cõi Trung Nguyên để nhận luôn Nguyên, Thanh là triều đại của mình đã đành, đã thế nào Liêu, Kim,... của các tộc ngoài Trung Nguyên cũng gộp hết vào. Chẳng thể đếm hết những dân tộc đã bị Hán tộc đồng hóa, nhưng qua vài trăm năm bị tộc người khác cai trị thì bản thân người Hán cũng chịu nhiều ảnh hưởng.
Cái gọi là văn hoá Trung Quốc hiện nay thực chất là pha trộn văn hoá nhiều tộc người sau khi đã chắt lọc lấy những cái gì tinh tuý nhất. Văn hoá ấy cũng không khác gì dòng máu đang chảy trong huyết mạch bao người đang nhận là Hán tộc, hay thứ ngôn ngữ hiện đang được gọi là Hán ngữ. Bị ngoại tộc đè đầu cưỡi cổ có nhục không? Tôi nghĩ là có rồi, Hán tộc trước kia gọi những tộc người ngoài Trung Nguyên là "Tứ di" với hàm ý miệt thị. Nhưng có điều quan trọng hơn, ấy chính là sự thống nhất. Gác lại hận thù xưa cũ để xây dựng một đất nước thống nhất, được kế thừa lãnh thổ và văn hoá một cách chính danh.
Hôm trước tôi có nói với bạn mình: May mắn cho Mông Cổ là không bị nuốt mất, nếu không người Trung Quốc bây giờ sẽ tự hào là tổ tiên mình đã cưỡi ngựa quẩy nát châu Âu và châu Á, nghe ngầu thôi rồi. Không phải người Hán nhưng vẫn là người Trung Quốc, chắc các bạn hiểu 😉
Đọc đoạn dài trên kia thì chắc không ít người liên tưởng đến người Kinh, trong đầu có thể đang hiện cả ra cụm từ "Kinh tộc thượng đẳng". Người Kinh không đến mức vơ vua của quốc gia khác từng tồn tại song song vào danh sách vua Việt Nam. Trường hợp của nhà Triệu mà bắt đầu là Triệu Đà, như tôi nói thì thời nay vẫn còn là sự tranh cãi. (Mọi người nhớ câu “Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập” không?)
Nhiều người Trung Quốc giờ hay lên mạng cảm thán về việc không ít nét văn hoá được Nhật Bản hấp thụ và phát triển đến tầm “dō” (đạo), được cả thế giới biết đến, trong khi chính Trung Quốc lại để mai một hay thậm chí là xoá sổ chúng. Chắc cũng không khác cái cảm giác tiếc nuối khi thấy cô người yêu cũ giờ là đoá hoa nở rộ trong tay anh khác. Không khó để kiếm những bài nghiên cứu viết nguồn gốc một số món ăn truyền thống Nhật Bản, Hàn Quốc là bắt nguồn từ Trung Quốc. Lắm lúc đọc bình luận bên Trung mà chỉ biết cười thôi, một phe thì chê kimchi, natto khó ăn, một bên thì ra sức nói rằng “món này được tổ tiên chúng ta sáng tạo đấy”. Thường thì Nhật Bản cũng không keo kiệt trong việc thừa nhận nó là từ “thiên triều” (thời kỳ Thịnh Đường quả thật đã sang học hỏi rất nhiều), Hàn Quốc thì có vẻ khó khăn hơn, cho nên về cơ bản là dân mạng bên Trung vẫn ưng Nhật hơn ở khoản này.
Và giờ là thời mà văn hoá Trung Quốc lại chịu ảnh hưởng mạnh từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Âm nhạc, phim ảnh thôi không nói nữa nhé, nhìn Việt Nam như nào thì Trung Quốc cũng không khác lắm đâu. Tôi sẽ nói về chuyện khá đau đối với “thiên triều”: Theo một thống kê không chính thức, khoảng 80% từ vựng trong tiếng Trung Quốc hiện đại là mượn từ Nhật Bản (cụ thể là cuốn sách "The Formation of Modern Chinese Lexicon and its Evolution toward a National Language" của Federico Masini xuất bản năm 1993).
Nhật Bản mở cửa giao thương với các nước phương Tây và bắt đầu công cuộc hiện đại hóa trước. Có thời kỳ du học Nhật Bản trở thành trào lưu, ở Trung Quốc là thế, ở Việt Nam cũng vậy (phong trào Đông Du). Từ mượn trải dài ở rất nhiều lĩnh vực, từ khoa học kỹ thuật cho tới kinh tế, chính trị,... Chuyện kể rằng khi xưa Tôn Trung Sơn định tổ chức khởi nghĩa ở Quảng Châu nhưng thất bại, ông chạy trốn tới Nhật Bản, từ đó ông bỏ từ “tạo phản” và thay bằng từ mới học được là “cách mạng”, bùm, một con đường mới mở ra trước mắt. Nước Trung Quốc có tên đầy đủ (theo Hán Việt) là Trung Hoa Nhân dân Cộng hoà quốc, chỉ “Trung Hoa” và “quốc” là thuần Trung, còn “Nhân dân” và “Cộng hoà” là mượn từ Nhật Bản. Thậm chí có người còn nói cả “Cộng hoà quốc” là mượn của Nhật vì đây là một khái niệm, vậy thì thuần Trung chỉ còn “Trung Hoa”.
Một vài học giả Trung Quốc cố chứng tỏ rằng một số từ mượn từ Nhật thực chất có xuất hiện ở nước họ từ thời cổ đại. Ừ thì có một bộ phận nhỏ thật, nhưng ý nghĩa hoàn toàn khác, và tiếng Trung Quốc hiện đại tất nhiên là dùng theo nghĩa như của Nhật Bản rồi. Kinh điển có từ “kinh tế”, như cụ Phan Bội Châu từng viết câu “Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế”, kinh tế là kinh bang tế thế (trị nước cứu đời) chứ không phải economy như giờ. Khi mà việc chứng tỏ nguồn gốc của các từ vựng kia trở nên quá khó khăn, Trung Quốc vớt vát bằng cách nói: Từ vựng không hoàn toàn là “nhập khẩu” mà là xuất khẩu rồi nhập lại tiêu thụ trong nước. Ừm, nghe lại hợp lý ra phết, dù sao cũng toàn Hán tự mà.
Thôi quay lại với áo dài để còn kết bài.
Vấn đề đây: Văn hoá nước ta, chính chúng ta không gìn giữ thì còn đợi ai làm thay? Vụ việc lần này như một lời cảnh tỉnh đối với người Việt Nam. Dẫu biết thời trang cần sự sáng tạo, có điều biến tấu cũng cần có giới hạn. Áo dài và sườn xám có điểm chung nhưng về tổng thể thì vẫn khác nhau rất nhiều, chỉ cần nhìn vào là phân biệt được, nhưng trang phục cách tân với những biến tấu dường như đang xoá nhoà ranh giới giữa chúng. Vậy mới có chuyện người ta nhập sườn xám cách tân về Việt Nam rồi gắn cho cái mác áo dài cách tân, hay thậm chí còn có khái niệm “áo dài cách tân lai sườn xám”. Áo dài nữ là vậy, áo dài nam thì… Đã quá nhiều lần thấy mọi người lên án những bộ áo dài nam cách tân trông chẳng khác gì trang phục truyền thống của đàn ông Ấn Độ. Nghĩ nó buồn… (Cơ mà tôi thừa nhận là nhiều mẫu mẫu trông đẹp thật).
Thế giới biết áo dài thời nay là sản phẩm sáng tạo của Việt Nam, nhưng việc quảng bá hình ảnh chiếc áo dài truyền thống không bao giờ là thừa thãi. Với tư cách một du học sinh Việt Nam tại Trung Quốc, tôi tự hào vì đã góp phần quảng bá hình ảnh chiếc áo dài đến với bạn bè nước ngoài. Mà nói thật, ra nước ngoài học mà không một lần mặc áo dài cầm cờ Tổ quốc thì tiếc lắm luôn.
Bài viết trên điện thoại, sau một pha select all và ngu người nhấn xoá, bản chỉnh sửa ưng ý đã bay mất. Nếu đọc có thấy lộn xộn cũng mong mọi người thông cảm.
#Apry618
https://m.sohu.com/a/271580623_99896221/?pvid=00011_3w_a